Ga 15, 1-8 "Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sinh nhiều trái" Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn. Các con đã được tỉa sạch nhờ lời Thầy đã nói với các con. Các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Cũng như nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho; các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy. "Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì. Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như ngành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi. Nếu các con ở trong Thầy, và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì cứ xin, và sẽ được. Đây là điều làm Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh nhiều trái, và như thế các con trở nên môn đệ của Thầy". |
Suy niệm
Gắn bó cùng Thầy như cành với thân nho
Văn hào kiêm triết gia nổi tiếng người Ấn độ Rabindranath Tagore (1861- 1941) để lại cho hậu thế một di sản văn hóa đồ sộ, gồm thơ, văn xuôi, kịch, âm nhạc (trong đó có quốc ca Ấn Độ và Bangladesh), nhiều bức tranh, các bài tiểu luận về chính trị, giáo dục và triết học. Hai tập thơ rất nổi tiếng: tác phẩm Thơ dâng – Gitanjali, tuyển tập gồm những bài thơ về niềm tôn giáo, và tuyển tập "Tâm tình hiến dâng" (nguyên tác: The gardener), là những vần thơ triết lý cuộc sống thường ngày: cuộc sống có tình yêu có nụ hôn hạnh phúc, nhưng cũng có nhiều sầu bi của tình yêu ngập nước mắt. Tagore được tặng giải Nobel Văn học năm 1913. Ông đã viết về chiếc dây đàn và cây đàn guitar như sau:
"Trên bàn tôi là sợi dây Guitar, tôi xoay nó qua lại theo các chiều khác nhau, nó không bị ràng buộc chi cả. Vì nó được cuộn tròn nên khi tôi xoắn đầu này thì đầu kia cũng bật dậy, sợi dây dẫy nảy trong tay tôi, mà chẳng phát ra một âm thanh nào.
Hiện tượng này biến mất khi tôi buộc nó vào chiếc đàn Guitar, hai đầu bị gắn chặt để sợi dây căng thẳng, rồi với đầu ngón tay, tôi gảy nhẹ vào sợi dây và lạ thay, một âm vang nổi lên hầu như du dương. Đây chính là lúc sợi dây được tự do để tạo nên nốt nhạc".
Dây đàn không thể tạo lên tiếng đàn nếu không được căng trên cây đàn Guitar, nhưng du dương ca hát nếu gắn chặt với cây đàn...
Hình ảnh đó đưa chúng ta ý gẫm về Lời Chúa Giêsu: "Không có Thầy anh em không làm được gì" (Ga 14,5), gắn bó cùng thầy sẽ sinh nhiều hoa trái, Ngài minh họa bằng hình ảnh: cành nho gắn bó với cây nho sinh hoa trái.
Trong Thánh Kinh, nho là một hình ảnh, một biểu tượng quen thuộc:
• Ngôn sứ Isaia phác họa Dân Chúa được tuyển chọn như một gốc nho hay vườn nho của Thiên Chúa qua bài ca Vườn nho : Vườn nho của Đức Giavê ấy là nhà Israel (x. Is 5,1-7) để ám chỉ tình yêu Thiên Chúa đối với dân Ngài.
• Ngôn sứ Giêrêmia nói thông điệp của Giavê cho cho Israel rằng: "đã trồng ngươi như cây nho hảo hạng, cây nho thuần chủng. Sao ngươi lại thoái hoá thành những cành nho tạp chủng?" (Gr 2,21). Chúa chăm sóc dân Ngài nhưng dân Chúa đã phụ lòng bỏ ngài.
• Ngôn sứ Ôsê nói về Dân Chúa tuyển chọn được Chúa chăm sóc: "Israel là cây nho tươi tốt" (Os 10,1).
• Thánh Vịnh vẫn xướng lên một bài ca hy vọng Thiên Chúa thăm viếng Dân Ngài: "Lạy Thiên Chúa, xin hãy viếng thăm và bảo trợ vườn nho mà chính tay Chúa đã vun trồng" (Tv 80,15-16).
• Đức Giêsu cũng dùng hình ảnh cây nho - vườn nho để mạc khải về Nước Thiên Chúa: "Một người kia trồng một vườn nho, ông rào dậu bôn bề, một hầm ép nho, và xây một tháp canh rồi ông cho các người làm nho thuê mướn và ông khởi hành đi xa" (Mc 12,1-2 ; Mt 21,33 - 34).
Cây nho đã trở nên biểu tượng của dân tộc Israel trong dòng lịch sử. Huy hiệu trên các đồng tiền thời Maccabê (167-164 TCN) là cây nho. Sử gia Flavius Josephus, một sử gia nổi tiếng người Do-thái (37 - 100) đã được trao nhiệm vụ viết sử Dothái cho người Rôma, đã viết rằng vua Hê-rốt cho gắn một cây nho làm bằng vàng trên cửa vào Đền Thờ ông đã xây (Antiquities, 15.395)...
Nói đến cây nho, trái nho dễ dàng nhắc nhở chúng ta về chén Máu Thánh, nhất là vì trong Tin mừng Marcô 14,25 và Mátthêu 26,29, câu "sản phẩm của cây nho" là nói về chất đựng trong chén (cùng với bánh không men) khi Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể và truyền lại phải cử hành mầu nhiệm này vì thế mà chúng ta có thánh lễ mỗi ngày cử hành Bí tích Thánh Thể.
Trong sách Didache viết bằng tiếng Hylạp (nghĩa là "huấn giáo", đọc là Đi-đa-kê), ở thế kỷ thứ hai được coi là Giáo huấn của Các Tông đồ, một cuốn thủ bản của Kitô giáo thời sơ khai viết về luân lý và tổ chức của Giáo Hội, trong sách chúng ta gặp thấy trong lời chúc lành khi cử hành Thánh Thể qua hình ảnh cây nho: "Lạy Cha, chúng con cảm tạ Cha (eucharistein là từ Hy lạp có nghĩa là "tạ ơn" và bởi đó chúng ta mới có từ Anh ngữ Eucharist và Pháp ngữ Eucharistie để chỉ của Thánh Thể, tức Thánh lễ ), vì Cha đã chọn cây nho thánh của Đavít tôi tớ Cha để tỏ ra cho chúng con biết nhờ Đức Giêsu là tôi tớ Cha".
Đến Do thái, chúng ta trên đường phố Giêrusalem, Giêrikhô và Galilê, sẽ thấy rất nhiều vườn nho được chăm sóc kỹ lưỡng. Vào mùa thu hay mùa đông, thợ vườn cắt đi khỏi thân cây những cành đã chết khô, bó lại thành bó và đem đi đốt. Khi mùa xuân tới, thợ vườn trở lại cắt đi những chồi nhỏ vô dụng để cây nho tươi tốt hơn...
Với ý nghĩa lịch sử, văn hóa và thần học về cây nho, Chúa Giêsu nhấn mạnh mọi tương quan của Ngài với người môn đệ như là cây nho và cành nho: "Thầy là cây nho, anh em là cành..." (Ga 14,5). Hình ảnh nhấn mạnh đến trung tâm là nhu cầu hiệp nhất giữa Đức Giêsu và các môn đệ.
Mầu nhiệm hiệp nhất qua cành nho với cây nho được Đức Giêsu tóm lại trong hai sự việc: kết hợp và sinh trái. Càng kết hợp chặt chẽ càng sinh nhiều hoa trái. Chúa muốn dạy chúng ta điều kiện căn bản là kết hợp mật thiết với Chúa, mới đem lại kết quả thiêng liêng cho chính mình và cho anh em. Đức Giêsu nhấn mạnh với các môn đệ: "Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái"(Ga 14,5). Trong đoạn Tin Mừng Ga 15,1-8, có tới 9 lần cụm tụ "ở lại trong" được lặp lại: sự gắn bó se sinh hoa trái. Gắn bó với cây nho không thể tách rời, là bổn phận của một cành nho để sống và đơm trái. Hình ảnh ẩn dụ nói về việc gắn bó cùng thầy. Điều kiện này không thể thiếu được, nếu không muốn đời sống siêu nhiên của mình bị héo tàn và vô dụng như cành nho lìa cây sẽ khô héo, vì Chúa nói rõ: '' Không có Thầy, anh em không thể làm được gì" (Ga 14,5)
Không ở trong thầy, không gắn bó với Thầy, chúng ta như cành lìa cây. Thật thế, mỗi người trong chúng ta phải đối diện với lựa chọn lựa như Chúa Giêsu tiếp tục dụ ngôn: "Nếu ai không ở trong Thầy, người ấy sẽ bị quẳng đi như một cành cây và sẽ bị khô héo; và các cành được gom lại và ném vào lửa cùng bị thiêu hủy" (Ga 15,6). Thánh Augustinô suy niệm và giải thích: "Cành chỉ thích hợp với một trong hai điều, hoặc là với cây nho hai là với lửa: nếu nó không ở trong cây nho, thì chỗ của nó sẽ là trong lửa; và nếu nó có thể thoát khỏi lửa, thì nó có thể có chỗ trong cây nho" ( Bài về Tin Mừng Thánh Gioan 81, 3 [PL 35, 1842]).
Đức Giêsu còn nhấn mạnh: để cành nho cho những hoa trái có chất lượng, cần phải được cắt tỉa, loại bỏ những mầm vô ích. Thiên Chúa Cha là người trồng nho thật, Ngài cắt tỉa những việc bất xứng, xén đi những gì đang chiếm các năng lực vô ích, các sự việc không tình yêu khỏi tâm hồn và con tim chúng ta. Có thể đó là những việc xảy ra không đúng ý mình muốn, làm cho mình đau khổ. Chấp nhận được cắt tỉa là chấp nhận thương đau, thanh luyện. Cho nên, không thể không hy sinh, khi muốn bước theo Đức Kitô, gắn bó và ở lại với Người. Khi được cắt tỉa, chúng ta hãy cứ nuôi dưỡng mình thêm bằng dòng nhựa của Đức Kitô và giữ vững can đảm vì nhìn tới các hoa quả đầy hứa hẹn...
Xin cho con luôn gắn bó với Thầy như cành nho gắn bó cây nho, bởi vì:
"Con nhìn nhận Chúa chính Nguồn Tình Yêu" (R. Tagore, Mong Chẳng Còn Gì)
Lời suy niệm: Lm. Vinh Sơn scj, Sài Gòn
Các tin mới hơn:
Các tin đã đưa:
NHÀ THỜ GIÁO XỨ PHỦ LÝ
Địa chỉ: Đường Biên Hòa - TP Phủ Lý - Hà Nam
Điện thoại: (+84351) 3829 494
E-mail Cha chính xứ: priest.tuan@gmail.com
E-mail ban biên tập: bbtphulyconggiao@gmail.com