Mc 4, 35-40 "Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người". Ngày ấy, khi chiều đến, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Chúng ta hãy sang bên kia biển hồ". Các ông giải tán đám đông; vì Người đang ở dưới thuyền, nên các ông chở Người đi. Cũng có nhiều thuyền khác theo Người. Chợt có một cơn bão lớn và những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước. Và Người thì ở đàng lái dựa gối mà ngủ. Các ông đánh thức Người và nói: "Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?" Chỗi dậy, Người đe gió và phán với biển rằng: "Hãy im đi, hãy lặng đi". Tức thì gió ngừng biển lặng như tờ. Rồi Người nói với các ông: "Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?" Bấy giờ các ông kinh hãi và nói với nhau rằng: "Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?" |
Sóng gió tuân lệnh
Ngày kia trời đã chiều tàn
Chúa liền lên tiếng bảo đoàn môn sinh
Bên kia bờ biển đăng trình
Môn đồ cùng với thầy mình ra đi
Bỗng đâu xuất hiện tức thì
Cuồng phong nổi dậy đập thi mạn thuyền
Thuyền kia trào nước liên miên
Tựa đầu Chúa ngủ bình yên không sờn
Môn đồ càng hoảng sợ hơn
Sóng to gió lớn thuyền đơn chìm dần
Các ông liền chạy đến gần
Thúc Người tỉnh dậy xem cần làm chi
Trách Người sao ngủ li bì
Chúng ta gặp phải lâm nguy đến rồi
Chúa liền thức dậy nói thôi
Tức thì gió biển im rồi tắt ngay
Gió liền im bặt lặng thay
Biển kia cũng phải ngừng “tay đập” thuyền
Chúa lên tiếng trách nhãn tiền
Anh em sao lại sợ liên hãi hùng
Môn đồ hoảng hốt vô cùng
Người là ai đó lạ lùng xiết bao
Làm cho gió thổi sóng trào
Tức thì tuân lệnh, chẳng sao dám gầm
Suy niệm
Sóng to gió lớn trên biển cả là thử thách lớn lao đối với tầu, thuyền. Trên đại dương, ngoài biển khơi, tầu thuyền sẽ nhẹ nhàng lướt sóng nếu không gặp phong ba bão táp.Tuy nhiên, nếu gió to, sóng lớn nổi dậy, nguy cơ của những tầu bè không đủ tiêu chuẩn dễ sa vào nguy khốn. Cuộc đời con người ai cũng muốn không có những cơn giông tố xẩy ra, nhưng có giông tố mới giúp chúng ta nhận ra chính mình. Do đó, chúng ta những người có đức tin phải chạy đến với Chúa Giêsu và xin Ngài trợ giúp.
Đọc Tin Mừng của thánh Marcô hôm nay, chúng ta nhận thấy việc Chúa Giêsu và các môn đệ sang bên kia biển hồ không phải chỉ là một cuộc di chuyển nơi này qua nơi khác, vùng đất này qua vùng đất khác, cũng như sóng gió, bão táp không chỉ là những hiện tượng khí tượng thuần túy, nhưng nó còn mang một ý nghĩa siêu việt, linh thánh. Sự kiện Chúa Giêsu và các môn đệ rời bỏ vùng Israen để đi về phái dân ngoại, nói lên ý nghĩa truyền giáo. Chúa Giêsu và các môn đệ không chỉ ở một nơi nhưng Ngài và các môn đệ hướng về dân ngoại bởi ơn cứu độ không dành riêng cho một dân tộc, một nước hay một nhóm cá nhân nào, ơn cứu độ thuộc về mọi người. Sóng gió, cuồng phong nói lên sức mạnh kinh khủng của sự dữ, của ma quỷ nổi lên chống lại Chúa và các môn đệ của Chúa Giêsu.
Tin Mừng Mc 4, 37 – 38 viết :” Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. Trong khi đó, Đức Giêsu đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ “. Chúng ta đọc được những lời thật lo âu của các môn đệ :” Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi “ . Các môn đệ quả thực sợ hãi, họ sợ chết, mà sợ Thầy cũng chết nữa ! Cái chết thể xác không thể cưỡng lại nổi, nếu gió to sóng lớn đánh tan tành thuyền. Rồi các môn đệ than như một lời trách móc cay đắng “ Mà Thầy không lo sao ? “. Các môn đệ cứ tưởng Chúa yên tâm để ngủ khi sóng gió bập bùng nổi lên ! Chúa biết nhưng chưa tới giờ Ngài thực hiện. Chúa ngủ khiến chúng ta liên tưởng tới cái chết tự nguyện theo ý Thiên Chúa Cha trên Thập giá. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá xem ra là thất bại trước mặt con người, các quyền lực sự dữ, ma quỷ, tưởng như đã thành công vì chúng coi như đã tiêu diệt được đối thủ số một của chúng, nhưng chúng đã lầm to, Chúa đã sống lại khải hoàn, sự phục sinh của Ngài biểu trưng sự chiến thắng vinh quang trên mọi quyền lực của ma quỷ, và mọi thế lực chống đối Ngài.
Chúa Giêsu đã thức dậy, đã can thiệp đúng lúc và truyền cho gió bão :” Im đi ! Câm đi “ ( Mc 4, 39 ). Tức thì, gió bão im lặng. Các môn đệ cảm thấy nhẹ nhõm vì không còn hoang mang, sợ sệt, lo lắng. Biển lặng tượng trưng cho lòng con người được an bình, được yên lặng. Sự an bình thực cao quí vì thiếu sự bình an, lòng chúng ta sẽ xôn xao, hoang mang và sợ sệt. Tâm hồn con người có lòng tin sẽ vững luôn gió có gặp sóng gió, bão táp cuộc đời. Chính tin và phó thác vào Chúa sẽ giúp chúng ta bình tĩnh giữa phong ba bão táp cuộc đời.
Chúa Giêsu nói với các môn đệ : “ Sao nhát thế ? “. Chúa đang có đó trên thuyền cùng với các môn đệ. Vậy, tại sao các môn đệ lại sợ sệt, nhát đảm, sợ chết !
Chắc chắn các môn đệ hoang mang bởi vì các ngài chưa vững tin hay chưa tin tưởng thật sự vào Chúa ! Do đó, Chúa khiển trách các môn đệ :” Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin ? “ ( Mc 4, 40 ). Các môn đệ sau biến cố biển động, bão táp, đã nhận ra Chúa.
Cuộc hành trình lữ thứ của Hội Thánh và của mỗi Kitô hữu được ví như một cuộc ra khơi. Chúa luôn hiện diện, Chúa luôn can thiệp dù rằng có những lúc Giáo Hội và chúng ta tưởng chừng Chúa ngủ quên giữa lúc chúng ta đang gặp phong ba bão táp. Điều quan trọng là chúng ta có biết chạy đến với Chúa để xin Ngài giúp chúng ta vượt qua những cơn phong ba bão táp cuộc đời hay không?
Chúng ta mượn lời của một nhà bác học để kết thúc bài suy niệm này :” Ôi ân sủng diệu kỳ, âm thanh ngọt ngào biết bao ! Đã cứu kẻ đọa đầy là con đây ! Con như bị lạc mất, giờ được nhìn thấy. Đã mù lòa giờ thấy được ánh dương…Con đã trải qua bao gian khổ, nhọc nhằn, chông gai cạm bẫy. Ơn sủng Ngài đã gìn giữ con an toàn đến ngày hôm nay. Ân sủng Ngài cũng sẽ dẫn con về tới quê nhà “.
Lời suy niệm: Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi (DCCT) - Chuyển thể Phúc Âm: Jos Hồng Ân
Các tin mới hơn:
Các tin đã đưa:
NHÀ THỜ GIÁO XỨ PHỦ LÝ
Địa chỉ: Đường Biên Hòa - TP Phủ Lý - Hà Nam
Điện thoại: (+84351) 3829 494
E-mail Cha chính xứ: priest.tuan@gmail.com
E-mail ban biên tập: bbtphulyconggiao@gmail.com