Lc 16, 10-13 "Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được" Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Một người phú hộ kia có một người quản lý, và người này bị tố cáo đã phung phí của chủ. Ông chủ gọi người quản lý đến và bảo rằng: 'Tôi nghe nói anh sao đó? Anh hãy tính sổ công việc quản lý của anh, vì từ nay, anh không thể làm quản lý nữa'. Người quản lý nghĩ thầm rằng: 'Tôi phải làm thế nào, vì chủ tôi cất chức quản lý của tôi? Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Tôi biết phải liệu thế nào, để khi mất chức quản lý, thì sẽ có người đón tiếp tôi về nhà họ'. "Vậy anh gọi từng con nợ của chủ đến và hỏi người thứ nhất rằng: 'Anh mắc nợ chủ tôi bao nhiêu?' Người ấy đáp: 'Một trăm thùng dầu'. Anh bảo người ấy rằng: 'Anh hãy lấy văn tự, ngồi xuống mau mà viết lại: năm mươi'. Rồi anh hỏi người khác rằng: 'Còn anh, anh mắc nợ bao nhiêu?' Người ấy đáp: 'Một trăm giạ lúa miến'. Anh bảo người ấy rằng: 'Anh hãy lấy văn tự mà viết lại: tám mươi'. Và chủ khen người quản lý bất lương đó đã hành động cách khôn khéo: vì con cái đời này khi đối xử với đồng loại thì khôn khéo hơn con cái sự sáng. "Phần Thầy, Thầy bảo các con: Hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời. "Ai trung tín trong việc nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai gian dối trong việc nhỏ, thì cũng gian dối trong việc lớn. Vậy nếu các con không trung thành trong việc tiền của gian dối, thì ai sẽ giao phó của chân thật cho các con? "Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó ghét chủ này và mến chủ kia; hoặc phục chủ này và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được". |
Quản lý bất lương
Nhà giàu có một quản gia
Người ta tố cáo anh là tiêu hoang
Anh ta phung phí mọi đàng
Chủ thì gọi tới nhẹ nhàng bảo ban
Người ta đã nói anh gian
Thôi anh tính sổ và bàn giao ngay
Không làm quản lý từ nay
Quản gia liền nghĩ phen này phải lo
Vì ta đã mất vai trò
Không làm quản lý được cho chủ này
Mình thì cuốc đất đau tay
Ra đi làm kẻ ăn mày hổ ngươi
Đến đây anh nở nụ cười
Nghĩ ra một kế mà lười có ăn
Để khi ta gặp khó khăn
Có người sẽ đón chẳng lăn tăn gì
Gọi con nợ đến một khi
Hỏi rằng bác nợ thứ gì bao nhiêu
Dầu thì tôi nợ rất nhiều
Một trăm thùng đặng liêu siêu nợ nần
Rồi tên quản lý lại gần
Biên lai cầm lấy ghi phần hai thôi
Quay sang người khác một hồi
Và này bác nợ chủ tôi thế nào
Người kia đáp lại rất cao
Một ngàn dạ lúa lẽ nào ông quên
Quản gia cầm giấy đứng bên
Dặn dò con nợ không nên viết nhiều
Bút đây anh hãy viết liều
Tám trăm dạ lúa là điều dễ thôi
Chủ khen quản lý than ôi!
Làm điều khôn khéo mà rồi bất lương
Thầy thì bảo thật mọi đường
Dùng tiền bất chính mà thương bạn bè
Phòng khi tiền hết ai nghe
Có người đón rước chở che vĩnh hằng
Ai mà trung tín công bằng
Từ trong việc nhỏ sẽ hằng tiến lên
Tín trung việc lớn ở trên
Tiền mà bất chính có tên gian tà
Không còn trung tín nữa là
Của kia chân thật ai mà dám trao
Gia nhân lại có lẽ nào
Làm tôi hai chủ thì sao trung thành
Hoặc là mến đặng lòng lành
Chủ này gắn bó mà dành tình thương
Chủ kia khinh dể coi thường
Không còn gắn bó vấn vương thứ gì
Anh em cũng vậy một khi
Là không có thể thực thi hai đàng
Vừa làm tôi Chúa sẵn sàng
Vừa làm tôi của bạc vàng được đâu.
Suy niệm
NGƯỜI QUẢN LÝ KHÔN NGOAN VÀ TRUNG THÀNH
Mạnh Thường Quân nhà giàu, cho vay mượn nhiều. Một hôm sai Phùng Nguyên sang đất Tiết đòi nợ. Trước khi đi, Phùng Nguyên hỏi: "Ngài có muốn mua gì không?". Mạnh Thường Quân trả lời: "Ngươi xem thứ gì nhà chưa có thì mua". Khi đến đất Tiết, Phùng Nguyên cho gọi dân tới bảo rằng: "Các ngươi nợ bao nhiêu, Mạnh Thường Quân đều cho cả". Rồi chẳng tính vốn lời, đem văn tự ra đốt sạch. Khi trở về, Phùng Nguyên nói với Mạnh Thường Quân: "Nhà ngài không thiếu gì, có lẽ chỉ thiếu ơn nghĩa. Tôi đã trộm mua ở đất Tiết cho ngài rồi. Tôi chắc là đẹp ý ngài". Về sau Mạnh Thường Quân bị bãi quan, về ở đất Tiết. Dân ở đấy nhớ ơn xưa ra đón rước đầy đường. Mạnh Thường Quân ngoảnh lại bảo Phùng Nguyên: "Đó hẳn là cái ơn nghĩa mà ông đã mua cho tôi ngày trước".
Nghe chuyện này, có lẽ mọi người đều đồng ý với Mạnh Thường Quân rằng Phùng Nguyên thực là người quản lý trung thành và khôn ngoan. Trung thành vì ông đã biết cách làm lợi cho chủ. Khôn ngoan vì ông biết nhìn xa trông rộng, đầu tư vào những chương trình có ích lợi lâu dài. Nhờ sự khôn ngoan của Phùng Nguyên, Mạnh Thường Quân đã vượt qua được những khó khăn gian khổ.
Người quản lý trong bài Phúc Âm hôm nay khôn ngoan nhưng không trung thành. Khôn ngoan nhanh nhẹn, trong một thời gian ngắn đã tìm ra phương thế chuẩn bị cho tương lai. Nhưng ông ta đã không trung thành vì ông đã phung phí, làm hại tài sản của chủ.
Khi khen người quản lý này khôn khéo, Chúa Giêsu không khen ngợi tính gian giảo, thiếu trung thực của ông. Người chỉ khen ngợi sự thông minh nhạy bén của ông. Người ước mong con cái sự sáng cũng biết thông minh nhạy bén trong việc tìm kiếm Nước Trời.
Quả thực chúng ta là những người quản lý của Chúa. Tất cả những gì ta có đều là của Chúa. Sự sống, sức khỏe, tài năng, tiền bạc... đều không phải của ta. Ta chỉ quản lý chúng.
Hai đức tính quý ở người quản lý là trung thành và khôn ngoan.
Người quản lý trung thành gìn giữ nguyên vẹn tài sản của chủ. Không phung phí, không làm mất mát hao hụt. Người quản lý khôn ngoan sẽ tìm cách sinh lợi cho chủ, làm cho tài sản ngày càng gia tăng. Tiền bạc có thể sinh lợi ở ba góc độ khác nhau.
Mức độ bình thường nhất là: tiền đẻ ra tiền. Dùng tiền gởi ngân hàng để lấy tiền lời. Dùng tiền đầu tư vào công việc thương mại, kinh doanh để kiếm được nhiều tiền hơn nữa.
Mức độ thứ hai cao hơn là: dùng tiền đầu tư vào chất xám, vào giáo dục, vào nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Nhật Bản và Hàn Quốc là hai nước đầu tư rất nhiều vào giáo dục. Vì thế họ đã đào tạo được một đội ngũ trí thức đông đảo có kiến thức, có khoa học kỹ thuật. Nhờ thế, không những họ làm cho đất nước giàu mạnh mau chóng, mà còn nâng cuộc sống nhân dân lên cao hơn, giàu có sung túc về của cải vật chất và nhất là cao đẹp vì có văn hóa, đạo đức.
Mức độ thứ ba, cũng là mức độ cao nhất là: dùng tiền mua hạnh phúc vĩnh cửu. Biến tiền của hay hư nát ở đời này thành gia sản vĩnh viễn ở trên trời. Để làm được việc này, ta phải vượt qua sự khôn ngoan, nhạy bén đầy tính toán của người đời để đạt tới sự khôn ngoan nhạy bén đầy quảng đại theo tinh thần Phúc Âm.
Tạo lập gia sản trên trời khác với tạo lập gia sản nơi trần gian.
Gia sản nơi trần gian được tạo lập bằng tích lũy. Gia sản trên trời được tạo lập bằng cho đi. Để tích lũy tài sản nơi trần gian, ta phải tiện tặt, chắt bóp, nghĩ đến lợi nhuận của bản thân hơn đến người khác. Để tích lũy gia sản trên trời, ta phải rộng rãi, hào phóng nghĩ đến người khác hơn bản thân mình. Càng cho đi ở đời này, ta càng giàu có ở trên trời. Người nghèo là Chúa Giêsu hóa trang. Khi ta giúp đỡ người nghèo là ta chuyển tiền về thiên quốc. Qua trung gian người nghèo, đồng tiền trần gian hay hư nát sẽ biến thành tài sản vĩnh cửu trên trời.
Chúng ta là con cái sự sáng. Hãy biết sống theo con đường sự sáng của Phúc Âm. Hãy xin Chúa ban cho ta sự khôn ngoan của Phúc Âm. Hãy rèn luyện cho ta có sự nhạy bén đối với những thực tại vĩnh cửu trên trời. Amen.
Lời suy niệm: TGM Giuse Ngô Quang Kiệt - Chuyển thể Phúc Âm: Jos Hồng Ân
Các tin mới hơn:
Các tin đã đưa:
NHÀ THỜ GIÁO XỨ PHỦ LÝ
Địa chỉ: Đường Biên Hòa - TP Phủ Lý - Hà Nam
Điện thoại: (+84351) 3829 494
E-mail Cha chính xứ: priest.tuan@gmail.com
E-mail ban biên tập: bbtphulyconggiao@gmail.com