Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật XXVIII mùa thường niên năm A (ngày 09/10/2011)

TIỆC CƯỚI, ÁO CƯỚI

Ðạo công giáo do Chúa Giêsu thiết lập là Ðạo tình thương. Ðã là yêu thương, Ðạo của Chúa cốt thiết toát lên một niềm hân hoan,vui mừng. Ðạo tình thương là Ðạo hân hoan, phấn khởi và hạnh phúc. Ðạo Kitô là Ðạo Tin Mừng, đạo vui tươi. Tin Mừng trong trích đoạn thánh lễ chúa nhật 28 thường niên, năm A hôm nay mời gọi con người hãy mặc lấy tâm tình vui tươi như lẽ sống vì Chúa chính là Tình Yêu.

BỮA ĂN,TIỆC CƯỚI GỢI LÊN HÌNH ẢNH CỦA CUỘC SỐNG VÀ NƯỚC TRỜI:

Bữa ăn bao giờ cũng gợi lên hình ảnh thân thương, sum họp của một gia đình. Trong bữa ăn,con người thể hiện những giá trị cao quí nhất của cuộc sống. Ðây là lúc con người chia sẻ,hiệp thông,thân mật trò chuyện trong tình đầm ấm,trao ban và gặp gỡ nhau. Chúa Giêsu khi đi rao giảng đã mượn hình ảnh tiệc cưới, bữa ăn để nói lên thực tại của nước trời. Ngài coi đây là dấu chỉ rất ưu việt để loan báo Tin Mừng cứu độ và trình bầy giáo lý của Ngài. Chúa Giêsu coi nước trời như bữa tiệc và như thế, trong cuộc đời rao giảng của Ngài, Chúa Giêsu đã mượn hình ảnh bữa tiệc, tiệc cưới để nói về nước trời nhiều nhất và mặc cho nó một ý nghĩa thâm thúy, đặc biệt, cao sâu. Chúa Giêsu đã dự tiệc với ông Giakêu khi Ngài gợi ý tới thăm gia đình ông trước dù rằng trên cây sung, Giakêu đã cố gắng hết sức để nhìn Chúa và muốn mời Chúa. Chúa đã tới tiệc cưới Cana với Mẹ Maria và các tông đồ. Trong bữa tiệc này, Chúa Giêsu đã làm phép lạ cho nước hóa thành rượu ngon cho gia đình nhà đám được vui tươi, hạnh phúc và hãnh diện.Chúa dự tiệc với ông Lêvi, các người tội lỗi và những người xã hội cho là không tốt. Ngài đồng bàn, chia sẻ, hiệp thông với họ. Chúa Giêsu không những đồng bàn và đáp lại lời mời gọi của những người tội lỗi, nhưng điểm rất đặc biệt nơi Ngài là Chúa không chê, không chối từ lời mời gọi của những người biệt phái, những người giầu có. Ngài tới dùng bữa thân mật với nhà Matta, Maria và Lagiarô. Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã lập Bí Tích Thánh Thể để lại cho nhân loại chính Mình Máu của Ngài, để mỗi lần con người dự tiệc Thánh, sẽ được rước chính Mình và Máu Ðức Giêsu Kitô. Chúa phục sinh đã dùng bữa với hai môn đệ trên đường Emmaus và khi hiện ra với các môn đệ bên bờ hồ, Chúa chuẩn bị bữa ăn cho họ và dùng bữa với họ. Có thể nói bữa ăn, tiệc cưới nói lên ý nghĩa rất tốt đẹp, cao sâu vì nó tượng trưng cho bàn tiệc nước trời, nơi Ðức Kitô phục sinh hiện diện và mọi người được mời gọi chung hưởng hạnh phúc.

CHÚA MỜI GỌI MỌI NGƯỜI MẶC ÁO CƯỚI ÐI VÀO BÀN TIỆC CƯỚI

Bữa tiệc nói lên niềm vui, sự hạnh phúc của mọi người được mời. Các người biệt phái và Pharisiêu nói nhiều nhưng không thực hiện điều họ nói. Họ chỉ nói mà không làm. Họ sống giả hình bề ngoài vì thế họ tìm mọi cách từ chối nước trời, khước từ những gì tốt đẹp nhất Chúa ban cho. Họ giống như những khách mời kiếm đủ mọi lý do tầm thường để từ chối lời mời gọi của ông chủ. Như người Do Thái xưa không phải họ không biết ơn cứu độ Thiên chúa hứa ban cho họ và chính Ðức Kitô sẽ đem ơn giải thoát cho họ, Ðấng mà các tổ phụ và các ngôn sứ đã tiên báo cho họ, nhưng vì tội lỗi và những tư dục yếu hèn đã làm họ có cái nhìn không tốt và lệch lạc, họ thiên kiến và luôn nghĩ xấu về Chúa. Họ tránh Chúa tới gõ cửa lòng họ. Thái độ này được ví như những người khách mời vịn hết lý do này lý do khác để vắng mặt trong tiệc cưới vua mời, họ đã bị vua kết án. Ở đây, nổi bật một thái độ rất đáng trân trọng phát xuất do lòng thương xót của vị vua đầy lòng nhân hậu. Vua cho đi mời tất cả mọi người ở khắp mọi nơi, ở khắp các ngả đường vào dự tiệc cưới con vua đã được dọn sẵn. Ơn cứu độ có tính phổ quát. Ơn cứu độ thuộc về mọi người không dành riêng cho bất cứ ai. Tuy nhiên, con người luôn phải có thái độ ăn năn, sám hối và phục thiện. Con người phải mặc áo cưới khi vào dự tiệc nghĩa là họ phải mặc lấy Ðức Kitô, mặc lấy những tâm tình xót thương và hiền hậu của Chúa.

Người ta nói rằng: Đành rằng “chiếc áo dòng không làm nên thầy tu”, nhưng qua cách ăn mặc cũng chứng tỏ cho người khác thấy phần nào con người của mình. Khi đến thăm gia đình của người bạn với quần áo lịch sự, chứng tỏ rằng chúng ta kính trọng người bạn đó. Khi đến nhà thờ dâng thánh lễ ngày Chúa nhật, các Kitô hữu mặc y phục đẹp đẽ nhất của mình, chứng tỏ chúng ta kính trọng Thiên Chúa, tôn trọng những người chúng ta gặp gỡ trong cộng đoàn, và biểu lộ sự tự trọng đối với chính bản thân mình.

Quần áo bề ngoài xã hội như vậy, nhưng còn y phục của tinh thần và linh hồn nữa. Mỗi lần đến tham dự bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta cũng phải mặc lấy y phục phẩm hạnh của bàn tiệc mà Chúa Giêsu đòi hỏi; y phục của lòng tin, cậy, mến; y phục của lòng ăn năn sám hối và sự kính trọng đối với Thiên Chúa.
Rất nhiều khi chúng ta đã coi thường bàn tiệc Thánh Thể. Chúng ta đến nhà Chúa với một tâm hồn không chuẩn bị gì, chẳng có tâm tình cầu nguyện, và cũng không chịu lắng nghe lời Chúa. Lời Chúa hôm nay cảnh cáo thái độ khinh thường đó rằng: “Trói chân tay nó lại, ném nó vào nơi khóc lóc nghiến răng! Vì những kẻ được mời gọi thì nhiều, còn những người được chọn thì ít”.

Tiệc đã dọn sẵn nhưng có kẻ trước hết sẽ nên sau hết và kẻ sau hết sẽ trở nên trước hết. Kẻ được gọi thì nhiều, kẻ được chọn thì ít. Chúa mời gọi mọi người,nhưng liệu con người có sẵn sàng đi vào tiệc cưới hay không ?

Theo TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Các tin mới hơn:

Các tin đã đưa:

NHÀ THỜ GIÁO XỨ PHỦ LÝ

Địa chỉ: Đường Biên Hòa - TP Phủ Lý - Hà Nam
Điện thoại: (+84351) 3829 494
E-mail Cha chính xứ: priest.tuan@gmail.com
E-mail ban biên tập: bbtphulyconggiao@gmail.com

stat counters