TRẢ CHO XÊDA VÀ TRẢ CHO THIÊN CHÚA
Nhóm người Pharisêu trong Phúc âm hôm nay kết cấu với nhóm Hêrôđê để đưa Chúa vào cuộc tranh chấp chính trị. Nhóm Pharisêu thuộc giáo phái của Do thái giáo. Họ hay phê bình chỉ trích những lời nói và hành động của Chúa, cho rằng Chúa đi ra ngoài tập tục của tiền nhân. Và Chúa cũng thường cảnh giác họ, gọi họ là bọn giả hình vì họ giữ đạo mà thiếu tâm tình bên trong. Nhóm người Pharisêu lại hậm hực vì phải trả thuế cho chính phủ ngoại bang là người La mã. Ðây là loại thuế nhân danh, tính theo đầu người: đàn ông từ 14 tới 65 tuổi, cũng như đàn bà từ 12 tới 65. Còn nhóm Hêrôđê là những người phò đế quốc La mã và do đó phò cả chính sách của vua Hêrôđê. Trước khi đưa Chúa vào tròng, họ tỏ ra nịnh bợ trước đã như khen Chúa là người chân thật và không thiên vị (Mt 28:16).
Thế rồi họ đặt câu hỏi với Chúa: Có được phép nộp thuế cho Xêda không? (Mt 22:17). Câu hỏi có vẻ đơn sơ, nhưng ngụ ý của họ lại khác. Nếu Chúa trả lời có, nghĩa là phải nộp thuế cho Xêda thì Người sẽ bị coi là phản động và mất thế giá trước mặt người Do thái thời bấy giờ vì họ muốn thoát khỏi quyền lực của vua ngoại bang. Nếu Chúa trả lời không, nghĩa là không cần nộp thuế cho Xêda, phe Hêrôđê sẽ tố cáo với nhà chức trách La mã là chống chính quyền ngoại bang. Chúa biết rõ thâm ý của họ nên dùng chính đồng tiền nộp thuế có hình Xêda để giải thích cho họ. Chỉ vào hình Xêda trên đồng tiền, Chúa bảo họ: Của Xêda, trả về Xêda, của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa (Mt 22:21).
Ở đây Chúa phân biệt hai phạm vi thế quyền và thần quyền. Thế quyền và thần quyền tách biệt nhau, nhưng có liên hệ với nhau. Chúa muốn họ cũng vâng phục thế quyền để duy trì trật tự và lợi ích công cộng. Thế quyền cũng bắt nguồn bởi Thiên Chúa như lời Thánh kinh dạy là mọi quyền bính trên trời dưới đất đều bởi Thiên Chúa. Trong bài trích sách ngôn sứ Isaia, Chúa đã dùng vua Ba tư ngoại giáo là Kyrô, người được sức dầu, để thống trị đế quốc Babylon, đem dân tộc Chúa chọn trở về khỏi ách lưu đầy (Is 45:1). Công đồng Vaticanô II nói về những liên hệ giữa thế quyền và thần quyền như sau: Tuỳ theo hoàn cảnh và địa phương, nếu cả hai càng duy trì được sự cộng tác lành mạnh, cả hai càng phục vụ lợi ích của con người một cách hữu hiệu hơn (Gaudium et Spes # 76). Dựa vào lời Chúa dạy thì Thiên Chúa và Xêda, hay nói cách khác, thần quyền và thế quyền, đều có những đòi hỏi nơi người công dân. Bằng cách bảo nộp thuế cho Xêda, Chúa bảo toàn quyền hợp pháp của Xêda để duy trì trật tự và ích lợi chung cho xã hội loài người. Mặc dầu là chính phủ thuộc địa, nhưng trong giai đoạn thuộc địa đó, chính quyền thuộc địa cũng cung ứng được những tiện ích nào đó cho người dân.
Người công dân trách nhiệm thì tuân hành luật lệ hợp pháp của quốc gia để duy trị trật tự và lợi ích công cộng. Ðóng thuế là phương tiện giúp chính phủ bảo toàn an ninh và an sinh xã hội. Chính Chúa Giêsu đã làm gương trong việc nộp thuế đền thờ để người khác khỏi vấp phạm, mặc dù cắt nghĩa theo luật đền thở thì Chúa được miễn. Chúa bảo ông Phêrô: Con hãy ra biển thả câu, con cá nào bắt được trước tiên thì hãy mở miệng nó ra, lấy một đồng bạc về mà nộp xuất thuế của Thày và của con (Mt 17:27). Tuân giữ luật dân sự, Mẹ Maria và thánh Giuse đã làm cuộc hành trình về Bêlem, để khai sổ nhân danh theo lệnh hoàng đế Augúttô (Lc 2:1-7).
Việc tuân giữ luật pháp dân dự giả thiết rằng luật pháp đó dựa theo và phù hợp với luật Thiên Chúa. Còn khi mà luật pháp dân dự đi ngược lại luật Thiên Chúa, thì người công giáo theo tiếng lương tâm ngay thẳng phải bày tỏ lập trường. Người công giáo gồm cả hàng giáo sĩ, có hai quyền công dân: công dân nước trần thế và công dân nước Trời. Là người công dân của nước trần thế, người công giáo cần đóng thuế và tuân hành luật pháp công bình của quốc gia, xã hội. Ngoài ra dựa theo lời Chúa dạy, Giáo hội cũng khuyến khích người công giáo, với tư cách là công dân của một quốc gia, tham gia vào guồng máy chính trị của xã hội. Tuy nhiên tập thể Giáo Hội, cũng như hàng giáo sĩ, thành phần ưu tú của Giáo hội, không chủ trương tham chính, cũng không đem chính trị đảng phái vào Giáo hội bởi vì Giáo hội là một thực thể siêu việt, đứng trên mọi thể chế chính tri. Giáo hội mang tính chất trường tồn, còn đảng phái cầm quyền chỉ có tính chất giai đoạn, nay còn mai mất khi có việc đổi chủ. Công Ðồng Vaticanô II khẳng định về Giáo hội và thể chế chính trị như sau: Giáo hội không cách nào bị đồng hoá với một cộng đoàn chính trị và cũng không cấu kết với bất cứ hệ thống chính trị nào vì Giáo hội vừa là dấu chỉ vừa là bảo đảm cho tính cách siêu việt của con người (Gaudium et Spes # 76).
Khi Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II viếng thăm Mỹ Châu, Ngài cảnh giác một linh mục là thành viên Hạ viện ở một quốc gia Bắc Mỹ và một linh mục bộ trưởng chính phủ tại một quốc gia ở Trung Mỹ rằng nếu muốn tiếp tục làm linh mục thì phải bỏ việc tham chính. Hai vị đã tuân theo lời Ðức Thánh Cha. Lí do là vì tham chính là làm chính trị. Mà làm chính trị đôi khi phải thủ đoạn và ma giáo. Mà ma giáo và thủ đoạn thì không phù hợp với chức vụ linh mục. Ngoài ra để thu hút phiếu của nhóm nọ nhóm kia, linh mục làm chính trị có thể ủng hộ lập trường nào đó, đi ngược lại đường lối của Giáo hội.
Là công dân nước Trời, người công giáo có bổn phận trả cho Thiên Chúa những gì thuộc Thiên Chúa. Ta trả cho Thiên Chúa bằng việc thờ phượng, tin yêu mến Chúa và tuân giữ giới răn Chúa. Ta trả cho Chúa bằng việc góp của xây dựng, sửa sang và dọn dẹp nhà Chúa. Ta trả cho Chúa bằng việc tông đồ để mở mang nước Chúa hầu làm vinh danh Chúa. Ta trả cho Chúa bằng việc bác ái, phục vụ và giúp đỡ tha nhân, hình ảnh của Chúa.
Lời cầu nguyện xin cho biết phân định thần quyền và thế quyền:
Lạy Chúa, con xin tạ ơn Chúa đã đến dạy bảo loài người
phân định giữa thần quyền và thế quyền.
Xin cho luật pháp các quốc gia được phản ảnh luật Chúa.
Còn những nhà làm luật chưa nhận biết Chúa,
xin cho luật pháp họ đạo đạt được phản ảnh luật tự nhiên
đã được ghi khắc trong lương tâm chính trực của họ.
Cũng xin dạy con biết tuân giữ luật pháp công chính
hầu cho trật tự và tiện ích công cộng được bảo đảm.
Và xin dạy con biết tuân hành luật Chúa
để mối liên hệ giữa Chúa và con được tăng triển. Amen.
Theo TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
Các tin mới hơn:
Các tin đã đưa:
NHÀ THỜ GIÁO XỨ PHỦ LÝ
Địa chỉ: Đường Biên Hòa - TP Phủ Lý - Hà Nam
Điện thoại: (+84351) 3829 494
E-mail Cha chính xứ: priest.tuan@gmail.com
E-mail ban biên tập: bbtphulyconggiao@gmail.com